===
Địa chỉ: Số 164 - Phan Chu Trinh - TP. Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đăk Lăk
Website: trungcaptruongson.edu.vn
Email: [email protected]
Điện thoại: 0262 8554 779 - 0262 8553 779
Hotline: 0898.487.026 - 0978.11.46.46
GD&TĐ - Bên cạnh việc đảm bảo điều kiện điểm số môn văn hóa theo chương trình thi tốt nghiệp THPT, thí sinh xét tuyển vào các ngành liên quan đến âm nhạc phải vượt qua kỳ thi năng khiếu theo quy định của từng trường ĐH.
SV ngành Thanh nhạc Trường ĐH Nguyễn Tất Thành trong giờ luyện thanh.
Hiện nay, ngoài các trường đặc thù như nhạc viện thì nhiều cơ sở GDĐH có đào tạo các ngành liên quan đến âm nhạc.
Đa dạng bậc xét tuyển
Nhạc viện TPHCM đào tạo trình độ âm nhạc từ cao tới thấp. Ảnh Trại hè âm nhạc do Nhạc viện TPHCM tổ chức thường niên.
Ở khu vực phía Nam, Nhạc viện TPHCM được xem là cái nôi truyền thống đào tạo nhân lực cho lĩnh vực âm nhạc. Năm 2021, Nhạc viện TPHCM tuyển sinh đào tạo các ngành, chuyên ngành (CN): Piano, Thanh nhạc, Piano nhạc nhẹ, Guitar nhạc nhẹ, Gõ nhạc nhẹ, Organ điện tử, Violin, Sáng tác âm nhạc, Sáo trúc, Tranh, Bầu, Âm nhạc học, Chỉ huy hợp xướng…
Theo TS Đặng Huy Hoàng (Phó phụ trách phòng Đào tạo- Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Nhạc viện TPHCM), nhà trường sẽ ưu tiên tuyển sinh ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, ngành Biểu diễn nhạc cụ phương Tây - cổ điển (trừ Violin). Đối với ngành Biểu diễn nhạc cụ truyền thống, học phí được giảm cùng với tiền bồi dưỡng nghề (tổng cộng bằng miễn và thêm 10% học phí).
Bên cạnh đó, thí sinh có thể đăng ký thi nhiều chuyên ngành, đồng thời có thể đăng ký thi Chuyên ngành 2 (bậc Trung cấp). Đây là một hình thức thi tuyển sinh hoàn toàn năng khiếu về chuyên môn và kiến thức, để Hội đồng thi phát hiện những thí sinh có năng khiếu (mặc dù chưa học hoặc mới biết) trong một số chuyên ngành mà số lượng học sinh hiện còn ít. Nếu thí sinh có năng khiếu thì xác suất trúng tuyển sẽ cao.
Đồng thời, thí sinh bậc Đại học vẫn có thể đăng ký thi Chuyên ngành 2. Đây cũng là một phương án để thí sinh không đậu bậc ĐH vẫn có cơ hội trúng tuyển (chấp nhận học bậc Trung cấp).
Ngoài ra, theo TS Đặng Huy Hoàng, trong phần thi CN các thí sinh phải học nhạc trước để đáp ứng các yêu cầu thi. Chẳng hạn, với ngành Âm nhạc học, thí sinh phải có kiến thức âm nhạc và khả năng viết một bài tiểu luận tại chỗ. Đề thi sẽ ra về các trào lưu âm nhạc và một số tác giả điển hình châu Âu và Việt Nam; âm nhạc truyền thống, ca khúc Việt Nam; Với ngành Piano, Violin, đòi hỏi thí sinh phải học đàn trước và có trình độ khá cao.
Về thi kiến thức, thí sinh phải học trước về Ký xướng âm và biết khái quát về nhạc lý để thi… Đối với các CN Thanh nhạc, Thanh nhạc nhạc nhẹ (Pop, Rock, Jazz),... hội đồng thi chú ý nhiều đến năng khiếu chuyên môn. Thí sinh cần học trước Ký xướng âm vì nhiều thí sinh rớt do chuyên môn đạt nhưng điểm thi kiến thức không đạt.
Ở bậc ĐH (4 năm), Nhạc viện TPHCM yêu cầu thí sinh phải có trình độ văn hóa tốt nghiệp THPT, Bổ túc THPT, hoặc Trung cấp (chuyên nghiệp, nghề). Nếu tốt nghiệp Trung cấp, phải có điểm thi tốt nghiệp 3 môn Văn, Sử, Địa từ 5,0 trở lên; hoặc phải học và được công nhận đã hoàn thành các môn văn hóa THPT theo quy định.
“Về trình độ chuyên môn, nếu không có bằng Trung cấp hoặc Cao đẳng âm nhạc, thí sinh phải có trình độ âm nhạc tương đương (đã học nhạc (ở trung tâm, lớp nhạc...), có trình độ chuyên môn và kiến thức tương đương với học sinh tốt nghiệp Trung cấp âm nhạc cùng chuyên ngành thí sinh dự thi)… nếu chỉ có năng khiếu thì sẽ không đạt” - TS Đặng Huy Hoàng lưu ý thêm
Học các ngành liên quan âm nhạc ở đâu?
Chương trình Du ca cùng Khoa Nghệ thuật ứng dụng, do Trường ĐH Văn Lang tổ chức diễn ra vào thứ 6 hàng tuần nhằm tạo cơ hội trải nghiệm cho SV khối ngành nghệ thuật.
Khi nhắc đến các trường đào tạo âm nhạc nhiều người sẽ nghĩ đến các nhạc viện hay các trường sân khấu điện ảnh. Hiện nay, ngoài Nhạc viện TPHCM, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam thì một số trường đại học có đào tạo một số chuyên ngành liên quan âm nhạc, như: ĐH Văn Hiến, ĐH Văn Lang, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Công nghệ TPHCM, ĐH Sư phạm Nghệ thuật Trung ương… Thí sinh cần tìm hiểu đề án tuyển sinh của mỗi trường, phương thức xét tuyển và tham khảo điểm trúng tuyến các năm gần đây để xét tuyển vào trường đại học phù hợp nhất với năng lực, kết quả học tập và kết quả thi THPT.
Trường ĐH Văn Lang (VLU) tuyển sinh khóa đầu tiên hai ngành Thanh nhạc và Piano (bậc đại học, hệ chính quy) vào năm 2017. Theo ThS Nguyễn Thị Mến - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông VLU, sinh viên ngành Thanh nhạc sau tốt nghiệp không chỉ trở thành một ca sĩ mà một cử nhân Thanh nhạc được đào tạo chuyên nghiệp có thể làm việc tại nhiều vị trí, như: Ca sĩ chuyên nghiệp, nhạc sĩ – sa sĩ (Singer song writer), nhà sản xuất âm nhạc, giảng viên về Thanh nhạc, dàn dựng tiết mục trong các chương trình âm nhạc, Biên tập viên âm nhạc… Năm 2020, điểm có thể trúng tuyển ngành Thanh nhạc tại VLU là 18 điểm đối với đối với điểm thi THPTQG (thang điểm 30); Xét theo học bạ (thang điểm 40) là 24 điểm.
“Nhằm mở ra nhiều hướng phát triển cho sinh viên ngành Thanh nhạc, VLU đẩy mạnh đào tạo ứng dụng theo nhiều dòng nhạc sở trường để sinh viên lựa chọn: Nhạc kịch, Thính phòng, Đương đại Pop, Rock, Jazz,… Từ tháng 4/2021, nhà trường bắt đầu tổ chức những Chương trình Du ca trong khuôn viên Cơ sở 3, giúp sinh viên ngành thanh nhạc vừa học vừa thực hành, đồng thời dùng đam mê và ngành học của mình phục vụ đời sống tinh thần phong phú của trường.
Hằng năm, để chuẩn bị cho các kì thi năng khiếu, Khoa Nghệ thuật ứng dụng VLU tổ chức luyện thi Thanh nhạc miễn phí 100% cho các thí sinh có nguyện vọng ứng tuyển vào ngành Thanh nhạc và Piano của trường” - Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông VLU chia sẻ.
Năm 2021, Trường ĐH Công nghệ TPHCM (HUTECH) đào tạo ngành Thanh nhạc trình độ Đại học chính quy (mã ngành 7210205) theo định hướng ứng dụng. Sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để có thể trở thành một nghệ sĩ đa năng - không chỉ biểu diễn trên sân khấu mà còn có thể thành công ở nhiều vị trí khác nhau trong nền công nghiệp giải trí sôi động hiện nay.
Theo ThS Nguyễn Thị Xuân Dung - Phó Trưởng phòng Tuyển sinh và Truyền thông HUTECH, chương trình đào tạo Thanh nhạc của trường gồm khối kiến thức cơ bản về khoa học xã hội và nhân văn, kiến thức chuyên ngành về lĩnh vực âm nhạc nói chung và kiến thức chuyên sâu về thanh nhạc (Thanh nhạc, Phân tích âm nhạc, Ký xướng âm, Nhạc cụ (Piano, Guitar), Hợp xướng, Hòa âm, Kỹ thuật phòng thu,…).
“Năm 2021, ngành Thanh nhạc tại HUTECH xét tuyển tổ hợp N00 (Ngữ văn, Năng khiếu 1 - Tổng quan về âm nhạc, Năng khiếu 2 - Kỹ năng thể hiện ca khúc); theo 04 phương thức gồm Xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT, Xét tuyển kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TPHCM, Xét tuyển học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn và Xét tuyển học bạ 03 học kỳ (gồm 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12).
Đối với các môn Năng khiếu 1 và Năng khiếu 2, thí sinh có thể dự thi kỳ thi năng khiếu do HUTECH tổ chức (gồm 4 đợt vào các ngày 26/6, 10/7, 24/7 và 7/8/2021) hoặc nộp kết quả thi từ các trường khác để xét tuyển. Để vượt qua kỳ thi Năng khiếu cũng như để học tốt ngành Thanh nhạc, ngoài tố chất nhất định về giọng hát, thí sinh cần liên tục trau dồi khả năng cảm thụ, tư duy âm nhạc, định hình các dòng nhạc sở trường và cá tính âm nhạc của bản thân, cũng như không ngừng luyện tập để phát triển giọng hát và kỹ năng biểu diễn” - ThS Nguyễn Thị Xuân Dung lưu ý.
Mùa tuyển sinh năm nay, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành tuyển sinh 2 ngành liên quan đến âm nhạc là Thanh nhạc, Piano. Theo ThS Nguyễn Bá Anh - Phó Trưởng phòng Truyền thông Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, so với những ngành học khác, thí sinh cần lưu ý khi lựa chọn đăng ký vào các ngành liên quan đến nghệ thuật.
“Đầu tiên thí sinh cần xem xét năng lực của bản thân có phù hợp với ngành học mình chọn. Sau đó là sự yêu thích, bởi những ngành học đặc thù đòi hỏi rất cao về nghề nghiệp do đó nếu không thực sự yêu thích và đam mê thì các em không thể nào theo học được. Chẳng hạn như theo học ngành Thanh nhạc hay Piano, đòi hỏi người học phải có sự khổ luyện, nếu không có đam mê, trước những khó khăn và thử thách người học dễ dàng bỏ cuộc” - ThS Nguyễn Bá Anh chia sẻ.
“Để đạt được nguyện vọng vào học tại Nhạc viện TPHCM, trước tiên thí sinh cần nghiên cứu kỹ thông báo tuyển sinh để chọn chuyên ngành (CN) phù hợp nhất với năng khiếu của mình (trường hợp này thường chỉ ở bậc Trung cấp vì ở bậc Đại học, thí sinh thường sẽ thi tiếp chuyên ngành đã học).
Thứ hai, thí sinh phải biết trình độ của mình có thể đáp ứng yêu cầu của CN mà mình muốn dự thi hay không. Ở bậc Trung cấp, một số CN đòi hỏi phải học trước (chuyên môn, kiến thức hay cả hai), một số CN còn yêu cầu thí sinh phải có một trình độ chuyên môn nhất định; còn một số CN chỉ yêu cầu nếu thí sinh chưa học trước, có thể thi tuyển năng khiếu. Ở bậc Đại học, yêu cầu là trình độ tương đương với học sinh tốt nghiệp Trung cấp.
Cuối cùng, thí sinh nghiên cứu trong các CN được đăng ký Chuyên ngành 2 (bậc Trung cấp) để chọn CN phù hợp với năng khiếu của mình. Thí sinh bậc Đại học có thể chọn Chuyên ngành 2 nếu muốn có cơ hội trúng tuyển”
TS Đặng Huy Hoàng (Phó phụ trách phòng Đào tạo- Quản lý khoa học và Hợp tác quốc tế, Nhạc viện TPHCM)
Địa chỉ: Số 164 - Phan Chu Trinh - TP. Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đăk Lăk
Website: trungcaptruongson.edu.vn
Email: [email protected]
Điện thoại: 0262 8554 779 - 0262 8553 779
Hotline: 0898.487.026 - 0978.11.46.46