Trung cấp Trường Sơn
HOTLINE

0898.487.026 - 0978.11.46.46

Paracetamol là thuốc gì? Những lưu ý khi sử dụng thuốc Paracetamol

Cập nhật: 12/06/2019

Paracetamol là thuốc được sử dụng rất phổ biến để giảm đau và hạ sốt, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách sử dụng cũng như liều dùng của loại thuốc này. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tham khảo được những lưu ý cần thiết khi sử dụng thuốc Paracetamol.

>>> Xem thêm:

Paracetamol là thuốc gì?

Được biết, Paracetamol là một loại thuốc thuộc nhóm có tác dụng là giảm đau hạ sốt, chống viêm, điều trị về các bệnh xương khớp, tuy nhiên tác dụng chống viêm của paracetamol rất yếu và hiện nay người ta chỉ sử dụng nó với mục đích là để giảm đau và hạ sốt.  Paracetamol còn có tên gọi khác là Acetaminophen, APAP.

Hay bạn cũng có thể hiểu rằng Paracetamol là một loại thuốc có dạng viên nang hoặc được đóng trong viên nén bao phim, viên nén giải phóng kéo dài, dung dịch treo, thuốc đạn, viên nén sủi bọt, gói pha dung dịch...

Cụ thể như thuốc viên nén Paracetamol dùng cho người lớn phổ biến là loại chứa 500mg dược chất Paracetamol, cũng có viên chứa nửa liều là 250mg Paracetamol dành cho trẻ em.

Nhưng bên cạnh đó cũng có viên chứa liều có số lẻ như 325mg hoặc 650mg Paracetamol cho mỗi viên. Đó là vì loại viên chứa 325mg, 650mg Paracetamol đã tính liều bằng đơn vị khối lượng theo Anh, Mỹ. Trong khi đó các nước Anh, Mỹ dùng đơn vị pound (ký hiệu lb), grain (gr) thay vì kilogram (kg), gram (g, lưu ý khác với gr) như nhiều nước khác.

Tóm lại thì Paracetamol sẽ có những dạng dùng và hàm lượng phổ biến như sau bạn nên biết:

  • Viên nén, dạng uống với hàm lượng phổ biển là: 325mg, 500mg;
  • Gel, dạng uống với hàm lượng phổ biển là: 500mg;
  • Dung dịch, dạng uống với hàm lượng phổ biển là: 160 mg/5 ml (120ml, 473ml); 500 mg/5 ml (240ml);
  • Siro, dạng uống: biệt dược Triaminic® cho trẻ nhỏ dùng giảm đau hạ sốt với hàm lượng phổ biển là: 160 mg/5ml (118ml).
paracetamol
Bao bì thuốc Paracetamol.

Cách sử dụng thuốc Paracetamol

Để có thể phát huy được hết công dụng của loại thuốc mà mình sử dụng thì chúng ta nên nghiên cứu hay tìm hiểu kỹ về cách sử dụng thuốc sao cho thật cẩn thận và chính xác nhất bạn nhé!

Vậy nên, cách tốt nhất khi sử dụng một loại thuốc bất kỳ là bạn nên tham khảo ý kiến của một người có chuyên môn ít nhất là từ trình độ cao đẳng dược trở lên vì những người này đã được đào tạo trở thành dược sĩ và có trình độ kê toa, phân loại hay kết hợp các loại thuốc để điều trị triệu chứng bệnh lý trong Y học. Cụ thể bạn nên lưu ý những điều sau đây:

  • Bạn cần phải sử dụng theo chỉ dẫn trên nhãn hoặc theo chỉ định của bác sĩ;
  • Nếu bệnh nhân là trẻ em hãy sử dụng dạng Paracetamol dành cho trẻ em và bạn cần phải làm theo hướng dẫn định lượng trên nhãn thuốc. Tuyệt đối không được dùng thuốc cho trẻ dưới 2 tuổi khi không có chỉ định cụ thể từ phía bác sĩ;
  • Sử dụng thuốc Paracetamol dạng lỏng với muỗng hoặc dụng cụ đo liều chuyên dụng để có thể đảm bảo đúng liều dùng theo quy định;
  • Với thuốc Paracetamol dạng viên nén nhai thì bạn cần phải nhai thật kỹ viên thuốc này trước khi nuốt;
  • Khi cầm viên thuốc Paracetamol dạng sủi bọt hãy đảm bảo chắc chắn rằng tay bạn khô ráo;
  • Khi sử dụng Paracetamol dạng sủi bọt thì bạn hãy hoà tan một gói thuốc trong ít nhất 118ml nước rồi khuấy tan hỗn hợp này và uống hết ngay sau đó;
  • Bạn lưu ý rằng tuyệt đối không uống Paracetamol dạng thuốc đặt hậu môn.

Cách bảo quản thuốc Paracetamol

Bạn có thể bảo quản thuốc Paracetamol ở nhiệt độ phòng, tránh tiếp xúc với nhiệt và độ ẩm. Với các thuốc đặt hậu môn thì bạn hoàn toàn có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng hoặc trong tủ lạnh.

Cụ thể, thuốc Paracetamol sẽ được bảo quản tốt nhất ở nhiệt độ từ 15 đến 30 độ C. Bạn tuyệt đối không nên để thuốc ở nhiệt độ trên 40 độ C cũng như tránh để thuốc đông lạnh ở trạng thái dung dịch hoặc dịch treo uống. 

Bên cạnh đó thì thuốc Paracetamol cần được để xa tầm tay của trẻ em cũng như các vật nuôi trong nhà. Thuốc bảo quản ở những nơi tránh tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân từ bên ngoài như nắng hay mưa gió...

Liều dùng của thuốc Paracetamol

Bạn cần phải tuyệt đối đảm bảo rằng mình sử dụng đúng liều thuốc Paracetamol cho từng đối tượng cụ thể để tránh những tác dụng phụ cũng như không phát huy được hết tác dụng của loại thuốc này nhé!

Cụ thể, liều dùng thông thường của thuốc Paracetamol như sau bạn nên lưu ý:

- Với liều hạ sốt, giảm đau dành cho người lớn:

  • Liều chung: Bạn sử dụng 325-650mg trong vòng 4-6 giờ hoặc 1000mg trong vòng 6-8 giờ uống hoặc đặt hậu môn;
  • Viên nén Paracetamol 500mg: Bạn sử dụng 2 viên 500mg uống trong vòng 4-6 giờ.

- Với liều hạ sốt và giảm đau dành cho trẻ em:

  • Trẻ em dưới 1 tuổi đến 12 tháng tuổi sẽ sử dụng 10-15 mg/kg/liều trong vòng 4-6 giờ khi cần thiết (tối đa: 5 liều trong 24 giờ);
  • Trẻ em từ 4 tháng đến 9 tuổi sẽ sử dụng liều khởi đầu là 30 mg/kg (theo nghiên cứu, liều lượng này có hiệu quả hơn trong việc giảm sốt so với liều duy trì 15 mg/kg và không có sự khác biệt về độ dung nạp lâm sàng);
  • Trẻ em lớn hơn hoặc bằng 12 tuổi thì sẽ sử dụng 325-650mg trong vòng 4-6 giờ hoặc 1000mg trong vòng 6-8 giờ.

Tác dụng giảm đau của thuốc Paracetamol sẽ có hiệu quả trong khoảng thời gian là 30-60 phút khi bạn sử dụng loại thuốc này và ảnh hưởng của loại thuốc này sẽ kéo dài trong khoảng thời gian là 3-4 giờ.

Bên cạnh đó thì bạn cũng có thể tham khảo thêm về liều dùng thuốc Paracetamol dành cho trẻ em như sau:

- Với liều dùng thông thường hạ sốt cho trẻ em:

Trẻ sơ sinh non 28-32 tuần thì bạn cần phải:

  • Tiêm mạch liều 20 mg/kg tiếp theo là 10 mg/kg/liều mỗi 12 giờ;
  • Uống: 10-12 mg/kg/liều mỗi 6-8 giờ. Liều uống tối đa hàng ngày là 40 mg/kg/ngày;
  • Trực tràng: 20 mg/kg/liều mỗi 12 giờ. Liều dùng tối đa hàng ngày là 40 mg/kg/ngày.

Trẻ sơ sinh non 32-37 tuần và trẻ sơ sinh dưới 10 ngày thì bạn cần phải:

  • Tiêm tĩnh mạch liều 20 mg/kg tiếp theo là 10 mg/kg/liều mỗi 6 giờ.
  • Uống: 10-15 mg/kg/liều mỗi 6 giờ. Liều tối đa hàng ngày: 60 mg/kg/ngày.
  • Trực tràng: 30 mg/kg; sau đó 15 mg/kg/liều mỗi 8 giờ. Liều tối đa hàng ngày: 60 mg/kg/ngày.

Trẻ sơ sinh tròn hoặc lớn hơn 10 ngày:

  • Tiêm tĩnh mạch liều 20 mg/kg tiếp theo là 10 mg/kg/liều trong vòng 6 giờ;
  • Uống: 10-15 mg/kg/liều mỗi 4-6 giờ. Liều tối đa hàng ngày là 90 mg/kg/ngày;
  • Trực tràng: 30 mg/kg; sau đó 20 mg/kg/liều mỗi 6-8 giờ. Liều tối đa hàng ngày là 90 mg/kg/ngày.

Trẻ sơ sinh và trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi:

  • Tiêm tĩnh mạch: 7,5 đến 15 mg/kg/liều trong vòng 6 giờ;
  • Liều tối đa hàng ngày là 60 mg/kg/ngày.

Trẻ sơ sinh và trẻ em từ 2 đến 12 tuổi:

  • Tiêm tĩnh mạch: 15 mg/kg trong vòng 6 giờ hoặc 12,5 mg/kg trong vòng 4 giờ;
  • Liều đơn tối đa là 15 mg/kg;
  • Liều tối đa hàng ngày: 75 mg/kg/ngày không được vượt quá 3750 mg/ngày;
  • Uống: 10-15 mg/kg/liều trong vòng 4-6 giờ khi cần thiết; bạn cần lưu ý là không vượt quá 5 liều trong 24 giờ.

- Với liều dùng thông thường giảm đau cho trẻ em:

Trẻ sơ sinh non tháng 28-32 tuần:

  • Tiêm tĩnh mạch liều 20 mg/kg tiếp theo là 10 mg/kg/liều trong vòng 12 giờ;
  • Miệng: 10-12 mg/kg/liều trong vòng 6-8 giờ. Liều uống tối đa hàng ngày là 40 mg/kg/ngày;
  • Trực tràng: 20 mg/kg/liều mỗi 12 giờ. Liều dùng trực tràng tối đa hàng ngày là 40 mg/kg/ngày.

Trẻ sơ sinh non tháng 32-37 tuần và trẻ sơ sinh dưới 10 ngày:

  • Tiêm mạch 20 mg/kg tiếp theo là 10 mg/kg/liều trong vòng 6 giờ;
  • Uống: 10-15 mg/kg/liều trong vòng 6 giờ. Liều tối đa hàng ngày là 60 mg/kg/ngày;
  • Trực tràng: liều: 30 mg/kg; sau đó 15 mg/kg/liều trong vòng 8 giờ. Liều tối đa hàng ngày là 60 mg/kg/ngày.

Trẻ sơ sinh đủ 10 ngày hoặc lớn hơn 10 ngày tuổi:

  • Tiêm tĩnh mạch liều 20 mg/kg tiếp theo là 10 mg/kg/liều trong vòng 6 giờ;
  • Uống: 10-15 mg/kg/liều trong vòng 4-6 giờ. Liều tối đa hàng ngày là 90 mg/kg/ngày. Trực tràng: 30 mg/kg; sau đó 20 mg/kg/liều trong vòng 6-8 giờ. Liều tối đa hàng ngày là 90 mg/kg/ngày.

Trẻ sơ sinh và trẻ em nhỏ hơn 2 tuổi:

  • Tiêm tĩnh mạch: 7,5 đến 15 mg/kg/liều trong vòng 6 giờ;
  • Liều tối đa hàng ngày là 60 mg/kg/ngày.

Trẻ sơ sinh và trẻ em từ 2 đến 12 tuổi:

  • Tiêm tĩnh mạch: 15 mg/kg trong vòng 6 giờ hoặc 12,5 mg/kg trong vòng 4 giờ;
  • Liều đơn tối đa 15 mg/kg;
  • Liều tối đa hàng ngày là 75 mg/kg/ngày không được vượt quá 3750 mg/ngày;
  • Uống: 10-15 mg/kg/liều trong vòng  4-6 giờ khi cần thiết; không vượt quá 5 liều trong 24 giờ.
Paracetamol
Bạn cần phải lưu ý về liều dùng khi sử dụng thuốc Paracetamol.

Một số lưu ý khác khi sử dụng thuốc Paracetamol

1. Tác dụng phụ của thuốc Paracetamol

Bạn cần phải gọi cấp cứu ngay hoặc đến ngay trạm y tế gần nhất để được kiểm tra và nhận sự tư vấn từ phía bác sĩ nếu bạn thấy có bất kỳ dấu hiệu nào của phản ứng dị ứng với thuốc Paracetamol như dưới đây:

  • Bạn cảm thấy cơ thể bị phát ban, khó thở, sưng mặt, môi, lưỡi, hoặc họng;
  • Bạn thấy mình bị sốt nhẹ kèm theo buồn nôn, đau dạ dày và ăn mất ngon;
  • Bạn thấy nước tiểu sậm màu và phân có màu đất sét;
  • Bạn nhận thấy biểu hiện của bệnh vàng da (bao gồm triệu chứng vàng da hoặc vàng lòng trắng mắt);

Bạn cần phải ngay lập tức cho bác sĩ biết tất cả các loại thuốc theo toa và thuốc không kê toa, vitamin, khoáng chất, các sản phẩm thảo dược và các loại thuốc do các bác sĩ khác đã kê toa trước đó. Tuyệt đối bạn không nên tự ý dừng thuốc và sử dụng một loại thuốc khác khi chưa có sự chỉ định từ phía bác sĩ.

Tóm lại thì người cao tuổi hoặc trẻ em, những người có các tình trạng bệnh lý nhất định (như các vấn đề về gan, thận, bệnh tim, tiểu đường, động kinh) hoặc những người dùng các loại thuốc khác sẽ càng có nguy cơ mắc nhiều tác dụng phụ hơn. Bạn nên tuyệt đối lưu ý hơn về vấn đề này.

2. Vấn đề tổn thương gan nghiêm trọng

Bạn cần phải biết rõ rằng tất cả những sản phẩm có chứa Paracetamol đều có cảnh báo về gan. Đặc biệt là tổn thương gan nghiêm trọng có thể xảy ra nếu bạn sử dụng thuốc:

  • Bạn uống nhiều hơn 4g (4000 mg) Paracetamol mỗi ngày;
  • Bạn uống nhiều hơn 1 sản phẩm có chứa Paracetamol cùng một lúc;
  • Bạn uống từ 3 cốc rượu trở lên mỗi ngày khi sử dụng Paracetamol.

Vậy nên, tình trạng ngộ độc Paracetamol có thể xảy ra khi bạn uống quá nhiều bởi lẽ gan sẽ chuyển hóa Paracetamol thành các chất khác nhau và sẽ gây nên những tổn thương gan nghiêm trọng. Do đó thì bạn cần phải uống thuốc theo đúng liều được bác sĩ chỉ định trước đó thì tổn thương gan do thuốc sẽ ít khi xảy ra hơn.

3. Chống chỉ định với thuốc Paracetamol

  • Bạn không được sử dụng thuốc Paracetamol với liều lượng vượt qua mức khuyến cáo đã quy định rõ;
  • Trước khi dùng thuốc Paracetamol thì bạn hãy nói với bác sĩ nếu bạn bị bệnh gan hoặc có tiền sử nghiện rượu và một số căn bệnh nguy hiểm khác;
  • Bạn không nên sử dụng bất kỳ loại thuốc không kê toa nào khác để trị ho, cảm lạnh, dị ứng hoặc thuốc giảm đau mà không có ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ;
  • Bạn tuyệt đối không sử dụng Paracetamol nếu bị dị ứng với Acetaminophen hoặc Paracetamol;
  • Nếu bạn đang mang thai cần phải nói với bác sĩ ngay bởi lẽ thuốc này có thể truyền vào sữa mẹ và gây hại cho trẻ đang bú sữa mẹ. Không sử dụng Paracetamol khi không có chỉ định của bác sĩ nếu bạn đang trong thời gian cho con bú;
  • Bạn cần phải ngừng dùng thuốc Paracetamol và đến gặp bác sĩ nếu vẫn bị sốt sau 3 ngày sử dụng, vẫn bị đau sau 7 ngày sử dụng (hoặc 5 ngày nếu điều trị cho trẻ), bị nổi ban da, đau đầu liên tục, đỏ hoặc sưng, các triệu chứng của bạn trở nên nặng hơn trước. Bạn không nên tự ý ngừng sử dụng thuốc cũng như thay thế bằng các loại thuốc khác khi chưa có sự chỉ dẫn từ phía bác sĩ.

4. Phòng ngừa quá liều hay quên liều khi sử dụng Paracetamol

Bạn nên nhớ rằng thuốc Paracetamol thường chỉ được sử dụng khi cần thiết và bạn sẽ không cần một lịch trình dùng thuốc cố định nào đó. Còn nếu trong trường hợp bạn đang sử dụng loại thuốc này thường xuyên mà bị quên gần với liều kế tiếp thì hãy bỏ qua liều trước đó và sử dụng liều tiếp theo.

Bạn cần phải gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất nếu nghĩ rằng mình đã sử dụng thuốc quá liều.

Cụ thể, các dấu hiệu đầu tiên của quá liều của thuốc Paracetamol bao gồm ăn mất ngon, buồn nôn, nôn mửa, đau dạ dày, đổ mồ hôi, nhầm lẫn hoặc yếu. Các triệu chứng sau có thể bao gồm đau vùng thượng vị, nước tiểu sẫm màu, vàng da hoặc mắt trắng...

Như vậy, trong bài viết bên trên trường Trung cấp Trường Sơn đã tổng hợp đầy đủ những thông tin quan trọng nhất về thuốc Paracetamol mà bạn nên tuyệt đối lưu ý. Tuy nhiên, những thông tin bên trên chỉ mang tính chất tham khảo và để an toàn cho sức khỏe, bạn không nên tự ý uống thuốc mà nên đến gặp bác sĩ thăm khám và sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để tránh xảy ra những tác dụng phụ không mong muốn xảy ra.

CÁC THÔNG TIN HỮU ÍCH
===
Trung cấp Trường Sơn
===

Địa chỉ: Số 164 - Phan Chu Trinh - TP. Buôn Ma Thuột - Tỉnh Đăk Lăk
Website: trungcaptruongson.edu.vn
Email:  [email protected] 
Điện thoại: 0262 8554 779 - 0262 8553 779 

Hotline: 0898.487.026 -  0978.11.46.46

 

Liên kết mạng xã hội
DMCA.com Protection Status